Cục Bách công Thủ công nghiệp Đại Việt thời Lê sơ

Đĩa trang trí rồng thời Lê sơ.

Cục Bách công là hình thức tổ chức sản xuất thủ công nghiệp của triều đình. Đây là nơi chuyên sản xuất ra các sản phẩm phục vụ cho cung vua như tiền, vũ khí, các đồ nghi trượng, đồ dùng vua quan, đồ trang sức...

Các thợ thủ công tham gia Cục Bách công gọi là công tượng. Họ là những thợ giỏi trong nhân dân được triều đình trưng tập. Hàng năm, triều đình cử người về các địa phương cùng các quan phủ, huyện có nhiệm vụ đề cử những thợ lành nghề lên Cục Bách công.

Công tượng là chế độ lao động cưỡng bức, tổ chức thành đội ngũ như quân lính. Từ thời Lê Thánh Tông chia công tượng làm hai ban luân phiên nhau, một nửa sản xuất, một nửa về quê làm ruộng. Do chế độ công tượng có tính trói buộc người thợ thủ công nên họ không hứng thú với công việc trưng tập của triều đình. Do đó nhiều người đã phản ứng bằng cách trốn tránh, đến chậm hoặc thoái thác. Vì vậy Luật Hồng Đức đã có những điều khoản trị tội họ[2].

Ngoài công tượng, trong Cục Bách tác còn có các công nô là những người bị tội đồ, bị sung vào đây sản xuất với thân phận nô tỳ.

Sản xuất của Cục Bách tác chỉ phục vụ riêng cho cung đình, sản phẩm không phục vụ nhân dân, không trở thành hàng hóa, do đó không có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hóa[3].